Nghĩa vụ các bên

1. KIỂM TRA HÀNG HÓA VÀO THỜI ĐIỂM CHUYỂN GIAO – NHẬN CHUYỂN GIAO

Một công ty Hoa Kỳ (bên bán) đã mua từ một công ty Hoa Kỳ khác 40.500 pounds sườn heo đông lạnh sau đó lập tức bán lại cho một bên bán buôn Canada (bên mua). Bên mua nhận hàng thông qua đại lý của mình tại nhà máy của nhà cung cấp đầu tiên, sau đó giao cho một bên chế biến Hoa Kỳ chế biến số hàng này. Khi nhận hàng hóa bên chế biến Hoa Kỳ thấy hàng hóa vẫn trong điều kiện bảo quản tốt ngoại trừ 21 thùng hàng có nhiều lỗ thủng. Tuy nhiên, chỉ 09 ngày sau đó, khi bắt đầu chế biến số sườn này, bên chế biến phát hiện có dấu hiệu hư hỏng và ngay lập tức liên hệ với cả bên mua và Sở Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA) yêu cầu kiểm tra. Ban đầu, thanh tra viên của USDA yêu cầu ngừng chế biến số lượng sườn, nhưng sau đó yêu cầu hủy toàn bộ. Bên mua đã thông báo với bên bán là sẽ không thanh toán ngay lập tức đối với số hàng này. Trong khi đó bên bán vừa thanh toán cho nhà cung cấp khác về số hàng đã bán cho bên mua nên đã gởi cho bên mua thông báo về việc chậm trễ thanh toán của bên mua và cho rằng bên mua đã không thông báo kịp thời. Cuối cùng, đã khởi kiện bên mua vi phạm hợp đồng.

Phán quyết của tòa án

Căn cứ lựa chọn Luật áp dụng của các bên, Tòa án phán quyết giao dịch này được điều chỉnh bởi CISG.

Theo diễn biến của vụ việc, Tòa án bác bỏ lập luận của bên mua cho rằng hàng hóa đã bị hư hỏng vào lúc chuyển giao từ bên bán đến bên mua nên bên mua không có trách nhiệm thanh toán cho bên bán.

Theo Tòa, ngay từ đầu bên mua đã không chứng minh được hàng hóa không đảm bảo chất lượng theo thỏa thuận tại thời điểm chuyển giao. Thậm chí nếu số hàng đó bị hư hỏng tại thời điểm chuyển giao thì Bên mua cũng không chứng minh được là mình đã kiểm tra và kiểm tra trong một thời gian ngắn hợp lý khi được chuyển giao thực tế như được quy định tại điều 38 CISG, cũng như đã thông báo cho bên bán tình trạng hư hỏng của hàng hóa đã thấy trong một khoảng thời gian hợp lý ngay sau khi phát hiện ra những hư hại, khuyết điểm của hàng hóa theo điều 39 CISG.

Theo quan điểm của Tòa án, mục đích của CISG trong việc yêu cầu kiểm tra trong một thời gian ngắn hợp lý trước khi chuyển giao và thông báo ngay sau đó nhằm tránh những tranh chấp trong trường hợp thời gian chuyển giao khiến điều kiện của hàng hóa tại thời điểm chuyển giao không còn được xác minh chính xác nữa. Song khi việc này xảy ra, trách nhiệm chứng minh thuộc về bên mua vì bên mua có đã có cơ hội để kiểm tra hàng nhưng lại không thực hiện.

Đối với vụ việc này, Tòa án cho rằng bên mua có thể và phải phát hiện được điều kiện xấu của hàng hóa trước nếu chỉ cần mở một vài thùng sườn đông lạnh.  Tuy nhiên, việc kiểm tra đã không được thực hiện và những khiếm khuyết lại chỉ được phát hiện sau khi hàng được phân phối 09 ngày sau đó ngay khi bắt đầu được chế biến. Và thông báo về việc không tuân thủ thỏa thuận mặc dù đã được gởi cho bên bán ngay sau khi phát hiện khiếm khuyết của hàng hóa, nhưng đã không còn đúng thời hạn nữa.

Theo yêu cầu được bồi thường thiệt hại của bên bán, căn cứ theo điều 74 CISG Tòa án cho rằng bên bán nên thể hiện sự thiện chí nếu bên mua có khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng, và theo điều 78 CISG, bên bán cũng có quyền để hưởng lãi suất trả chậm.

Bài học kinh nghiệm

 

Người mua cần thực hiện việc kiểm tra hàng hóa trước khi bên bán chuyển giao cho bên vận chuyển trong một khoảng thời gian hợp lý để đảm bảo việc hàng hóa mà bên bán chuyển giao là hàng hóa đảm bảo chất lượng như đã thỏa thuận. Cho dù người bán thật thiện chí thực hiện một cách đúng đắn, đầy đủ, trung thực các nghĩa vụ của hợp đồng, trong đó có các vấn đề liên quan đến chất lượng hàng hóa thì người mua cũng cần phải thực hiện việc kiểm tra hàng hóa của mình. Nếu người mua tự bỏ qua việc này và một khi hàng hóa đã được người bán chuyển giao cho người mua, bên đại diện cho người mua, hay bên vận chuyển hoặc hai bên có thỏa thuận mọi rủi ro hay trách nhiệm về hư hỏng của hàng hóa đã được chuyển giao cho bên mua thì người mua phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với mọi vấn đề này ngoại trừ trường hợp pháp luật áp dụng có những quy định khác.

2. TRUNG THỰC THIỆN CHÍ TRONG VIỆC THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG

Một nhà sản xuất sản phẩm thời trang của Ý (bị đơn) ký kết một hợp đồng độc quyền phân phối với một nhà phân phối của Hoa Kỳ (nguyên đơn). Theo hợp đồng, việc phân phối sẽ phải được thực hiện một hoặc nhiều đợt và thanh toán theo phương thức tín dụng thư (“L/C”) trong vòng mười lăm kể từ ngày chấp nhận đề nghị. Tranh chấp phát sinh khi người bán yêu cầu mức giá cao hơn đến 10%-15% so với mức giá cũ đã thỏa thuận và người mua từ chối mở L/C. Trong một thư thông báo ngày 02/8 bên bán yêu cầu bên mua mở L/C trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được thư, nếu không thỏa thuận sẽ bị hủy bỏ. Sau đó có sự trao đổi bằng phương tiện thông tin giữa các bên (nhờ đó, không kể những việc khác, bên mua đã có được nhưng thông tin cần thiết để mở L/C) và vào ngày 12/9 bên mua đã mở L/C. Tuy nhiên, ngày 19/9 bên bán đã hủy hợp đồng. Do đó, bên mua đã tiến hàng thủ tục tố tụng tại trọng tài Trung tâm thương mại quốc tế (ICC) yêu cầu bồi thường các tổn thất trực tiếp, lợi nhuận bị mất mát và những tổn hại đến uy tín của mình. Ngược lại, bên bán yêu cầu được bồi thường vì bị thanh toán trễ hạn.

Phán quyết của trọng tài

 

Mặc dù thực tế hợp đồng giữa các bên là hợp đồng phân phối hàng hóa dài hạn, và như vậy theo nguyên tắc thì CISG sẽ không điều chỉnh hợp đồng này nhưng Tòa trọng tài đã căn cứ vào điều khoản đã được các bên thỏa thuận trong hợp đồng là “Trọng tài viên sẽ áp dụng CISG 1980 để điều chỉnh những gì không được quy định trong hợp đồng”.

Theo diễn biến của vụ việc, Tòa trọng tài thấy bên mua đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán vì đã không thực hiện việc mở L/C cho dù bên bán đã gia hạn thêm thời hạn mới theo điều 63(1) CISG. Và do đó, bên bán có quyền chấm dứt hợp đồng theo điều 64(1)(b). Theo nghiên cứu về kết luận này của Tòa trọng tài cho thấy việc bên bán gia hạn thêm một thời hạn 20 ngày là hợp lý để bên mua mở một L/C vì để mở một L/C thì chỉ mất khoảng vài giờ.

Bên mua lập luận rằng vì trước đó bên bán đã chấp nhận thanh toán bằng cách chuyển điện tín thông thường, các bên đã đồng ý sửa đổi điều khoản thanh toán bằng L/C. Tòa trọng tài đã bác bỏ và cho rằng hợp đồng đã quy định nếu có bất kỳ sự đổi đổi, bổ sung nào khác phải được lập thành văn bản. Cho dù thực tế bên bán có chấp nhận phương thức thanh toán bằng chuyển điện tín thì đây cũng không phải là lý do hợp lý để bên mua tự động hủy bỏ việc mở L/C, hơn nữa trong suốt thời gian đàm phán, bị đơn đã khẳng định điều quan trọng là việc mở L/C, và theo điều 8(3) CISG sự cân nhắc thích đáng này nên được đưa ra trong thời hạn đàm phán hợp đồng khi đưa ra những hậu quả pháp lý từ việc thực hiện hợp đồng của một bên.

Nguyên đơn cũng lập luận thêm rằng việc từ chối mở L/C còn xuất phát từ việc bị đơn đưa ra mức giá tăng đến 10%-15% so với mức giá ban đầu mà hai bên đã thỏa thuận, nhưng tòa án cũng bác bỏ lập luận này và cho rằng nguyên đơn hoàn toàn có thể mở một L/C với giá đã thương lượng cùng khi đó sẽ từ chối việc mở L/C cho mức giá vượt quá kia.

Thêm nữa, việc không đồng ý với mức giá hàng hóa có thể không phải là lý do chính đáng của nguyên đơn theo Điều 71 CISG (vì việc không đồng ý liên quan đến nghĩa vụ thanh toán giá hàng hóa của nguyên đơn chứ không phải là nghĩa vụ của bị đơn) và nguyên đơn đã không thông báo cho bị đơn ngay lập tức về việc trì hoãn thanh toán theo điều 71(3) CISG. Một lần nữa, nguyên đơn đã không chứng minh được việc không phát hành L/C xuất phát từ lỗi của bị đơn theo điều 80 CISG.

Tuy nhiên, bất kể những điều đã được đưa ra, cuối cùng Tòa trọng tài lại quyết định việc bên bán chấm dứt hợp đồng là hoàn toàn sai. Quả thật, khi bị đơn thông báo về ý định chấm dứt hợp đồng thì theo điều 64(2)(a) bị đơn không còn quyền để chấm dứt nữa vì vào thời điểm đó nguyên đơn đang được có thêm thời gian để thực hiện nghĩa vụ mở L/C; hơn nữa xem xét lại những liên lạc giữa các bên suốt giai đoạn trước đó Tòa trọng tài thấy nhiều dấu hiệu bên bán đã không thực hiện hợp đồng một cách thiện chí và sự thật là bên bán đang cố tình hủy hợp đồng để thương lượng lại các điều khoản có lợi hơn, do đó đã vi phạm nguyên tắc về thiện chí trung thực, bên cạnh đó viện dẫn điều 7 CISG ngăn cản các bên thu lợi nhuận bất hợp pháp từ việc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng của bên kia.

Theo tòa trọng tài vì việc hủy hợp đồng sai của bị đơn, nên nguyên đơn có quyền yêu cầu bồi thường lợi nhuận bị tổn thất theo điều 74 CISG.

Bài học kinh nghiệm

Sự thiện chí, trung thực trong việc thực hiện hợp đồng là một nguyên tắc quan trọng để diễn giải hợp đồng và xử lý tranh chấp, được quy định ở hầu hết các nguồn luật khác nhau, CISG không phải ngoại lệ. Vì thế các bên khi ký kết hợp đồng cần lưu ý cố gắng tối đa để thực hiện nghĩa vụ của mình một cách hợp lý và thiện chí. Theo như vụ việc trên, rõ ràng bên mua hoàn toàn có thể mở một L/C cho giá đã thương lượng, đồng thời khiếu nại với bên bán việc tăng giá so với thỏa thuận mà không có lý do chính đáng. Việc thực hiện tốt nghĩa vụ hợp đồng không những đảm bảo tối đa cho quyền lợi của mình mà còn giúp tránh được những nguy cơ vi phạm ngược lại của bên kia.

3.TRANH CHẤP VỀ THỜI HẠN KIỂM TRA VÀ THÔNG BÁO VỀ SỰ KHÔNG PHÙ HỢP CỦA HÀNG HÓA

Người bán sau khi nhận hàng cần kiểm tra về sự phù hợp của hàng hóa trong một thời hạn ngắn nhất mà thực tế có thể cho phép và nếu phát hiện hàng có khuyết tật thì phải thông báo ngay cho người bán, nếu không có thể bị mất quyền khiếu nạiquyền đòi bồi thường vi phạm hợp đồng.

Diễn biến tranh chấp

– Ngày 21/3/1988, người mua hàng đặt hàng 48 đôi giày nam cùng một kiểu dáng và màu sắc như đơn hàng đã được đặt mua với người bán vào ngày 21/9/1987

– Ngày 28/3/1988, người mua hủy bỏ hợp đồng ngày 21/3/1988 với lý do là lô hàng đầu tiên ngày 21/09/1987 nhận được quá nhiều khiếu nại. Tuy nhiên người bán đã từ chối việc hủy hợp đồng này.

– Ngày 11/4/1988, người bán lập hoá đơn cho người mua theo HĐ với tổng trị giá 5.208.000 Lia (Lia là đồng tiền thanh toán của Ý được quy định trong hợp đồng) cho 48 đôi giày đặt hàng vào ngày 21/3/1988. Ngày 25/5/1988, người bán giao hàng cho người mua.

– Ngày 10/6/1988, người mua thông báo cho người bán những khiếu nại do lỗi sản xuất: các lót giày có độ dài khác nhau, nhiều mũi khâu bị hở, ngoài ra nhiều khách hàng phàn nàn rằng giày bị phai màu và gây nhiều phiền toái trong quá trình sử dụng. Ngày 21/9/1988, người mua thanh toán một phần hóa đơn là 3.044.000 Lia và thông báo cho người bán rằng sẽ từ chối thanh toán 2.164.000 Lia còn lại. Người bán từ chối không chấp nhận khiếu nại của người mua và kiện người mua ra Tòa án Đức.

Lập luận của Nguyên đơn

Khiếu nại của người mua là không hợp lệ do vi phạm thời hạn khiếu nại (quá muộn). Hàng giao ngày 25/5, tuy nhiên phải một thời gian dài sau đó (ngày 10/6) người mua mới tuyên bố hàng giao kém phẩm chất.

– Khuyết tật của hàng hóa không phải là ẩn tỳ mà đây là những khuyết tật dễ bị phát hiện nếu người mua có đủ sự cần mẫn cần thiết khi nhận hàng. Việc người mua kiểm tra qua loa và nhận hàng mà không có bất kỳ một kiến nghị nào có thể coi là người mua đã mặc nhiên chấp nhận chất lượng của lô hàng.

Lập luận của Bị đơn

– Đợt kiểm tra tại thời điểm giao hàng đã không tìm ra bất kỳ khuyết tật nào. Chỉ sau khi nhận được phàn nàn từ phía khách hàng đã từng mua và sử dụng loại giày này mới phát hiện ra rằng giày bị phai màu, vết khâu bị hở. Bên mua đã lập tức thông báo cho bên bán về lỗi này trong bức thư ngày 10/06/1988.

– Sau đó, người mua đã tiến hành kiểm tra toàn bộ lô hàng thì thấy rằng lót giày có kích cỡ khác nhau và không vừa với đế giày. Đây là một dạng khuyết tật ẩn vì khuyết tật này chỉ có thể được phát hiện trong quá trình sử dụng thực tế, khi giày bị ăn mòn. Do đó, việc thông báo cho bên bán xem như đã được tiến hành trong thời hạn hợp lý.

Phân tích và quyết định của toà án

– Áp dụng Công ước Viên khi tư pháp quốc tế có dẫn chiếu đến việc áp dụng luật quốc gia của một nước thành viên

Tham chiếu điều 1 khoản 1b của Công ước Viên: Công ước được áp dụng trong trường hợp tư pháp quốc tế dẫn đến việc áp dụng luật quốc gia của nước thành viên.

Công ước Viên có hiệu lực ở Ý vào ngày 1 tháng 1 năm 1988. Vào thời điểm này, Đức chưa là thành viên của Công ước (năm 1989, Đức mới gia nhập công ước Viên). Tuy nhiên, Điều 28, mục 1, khoản 1 và mục 2 khoản 1, Bộ luật về qui phạm xung đột pháp luật của Đức (EGBGB) đề cập áp dụng luật của nước nơi người bán đặt trụ sở kinh doanh (luật của nước Ý) nếu hợp đồng chưa có điều khoản về nguồn luật điều chỉnh. Vậy CISG được áp dụng để điều chỉnh hợp đồng này (theo điều 1 khoản 1b CISG).

– Nghĩa vụ kiểm tra về sự phù hợp của hàng hóa của người mua và thời hạn thông báo kết quả kiểm tra đó

Tuy người mua Đức biện hộ rằng những khuyết tật của hàng hóa không thể bị phát hiện trong quá trình kiểm tra mà chỉ có thể bị phát hiện trong quá trình sử dụng thông qua khiếu nại của khách hàng, tòa cho rằng khuyết tật của hàng hóa mà người mua đã chỉ ra (các lót giày có độ dài khác nhau và không vừa với đế giày, nhiều mũi khâu bị hở) đều là lỗi rõ ràng và có thể kiểm chứng ngay trong lúc giao hàng, chứ không cần thiết phải đợi đến khi giày đã mòn. Riêng với trường hợp giày bị phai màu, do đã được cảnh báo trước từ lô hàng đầu tiên nên người mua cần lập tức kiểm tra thực tế xem giày có phai màu hay không bằng các biện pháp nghiệp vụ đã biết. Nếu người mua sẵn sàng tiến hành một cuộc kiểm tra hợp lý sẽ có thể sớm phát hiện ra những khiếm khuyết kể trên ngay tại thời điểm giao hàng ngày 25/05/1988. Do đó, việc khiếu nại ngày 10/06/1988, tức là 16 ngày sau khi giao hàng, được coi là không kịp thời và đã quá muộn, đặc biệt là trong hoàn cảnh khi đã có khiếm khuyết trong lô hàng trước đó.

Tham chiếu điều 38 khoản 1 và điều 39 khoản 1 Công ước Viên, người mua đã vi phạm nghĩa vụ kiểm tra về sự phù hợp của hàng hóa trong một thời hạn ngắn nhất mà thực tế có thể cho phép và vi phạm thời hạn thông báo về hàng hóa không phù hợp đó.  Chính vì vậy, người mua đã mất quyền khiếu nại. Cũng theo đó, người mua không có quyền đòi bồi thường vi phạm hợp đồng.

Tham chiếu điều 74 và điều 78 Công ước Viên, tòa yêu cầu bên mua phải thanh toán nốt số tiền hàng còn thiếu cho bên bán, cùng với lãi suất trong thời gian trả chậm. Như vậy người mua sẽ phải trả cho bên bán 2.164.000 Lia cộng với lãi suất.

Bình luận và lưu ý:

– Về áp dụng công ước Viên ngay cả khi quốc gia chưa là thành viên của công ước

Tranh chấp này là một ví dụ điển hình về việc áp dụng điều 1 khoản 1b của Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Mặc dù Đức chưa là thành viên của Công ước vào thời điểm kí kết hợp đồng, nhưng Ý đã là thành viên của công ước. Qui phạm xung đột pháp luật của Đức dẫn đến việc áp dụng luật quốc gia của Ý, nơi áp dụng Công ước Viên là một nguồn luật chính thức. Chính vì vậy, Công ước Viên đã được áp dụng trong trường hợp này.

Từ đây có thể rút ra bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy hiện tại Việt Nam chưa phải là thành viên của Công ước, nhưng trong bối cảnh giao thương toàn cầu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, và hầu hết các đối tác lớn của Việt Nam như Trung Quốc, các nước EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… đều đã là thành viên của Công ước, thì xác suất các hợp đồng ngoại thương của Việt Nam bị điều chỉnh bởi Công ước Viên là rất lớn (khi các quy phạm xung đột dẫn chiếu đến luật của quốc gia đối tác là thành viên CISG). Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững Công ước Viên khi tham gia vào sân chơi chung của thương mại toàn cầu.

– Nghĩa vụ kiểm tra về sự phù hợp của hàng hóa của người mua và thời hạn thông báo kết quả kiểm tra đó

Kết quả người mua Đức bị mất quyền đòi bồi thường thiệt hại về sự không phù hợp của hàng hóa do không kiểm tra hàng hóa và thông báo về sự không phù hợp đó trong một khoảng thời gian sớm nhất mà thực tế cho phép có lẽ là một bài học đắt giá cho người mua trong các hợp đồng ngoại thương được điều chỉnh bởi Công ước Viên.

Luật Thương mại Việt Nam 2005 cũng có những quy định tương tự tại điều 44 về nghĩa vụ kiểm tra hàng hóa, trách nhiệm thông báo về sự không phù hợp của người mua. Tuy vậy, việc xác định “thời gian ngắn nhất mà hoàn cảnh thực tế cho phép” và “thời hạn hợp lý sau khi kiểm tra hàng hóa” là không dễ dàng; thường thì các bên sẽ áp dụng thời hạn khiếu nại cho vi phạm về số lượng, chất lượng hàng hóa, được quy định tại điều 319 của Luật (tương ứng là 3 tháng, 6 tháng kể từ ngày giao hàng). Thực tiễn áp dụng điều 38 và 39 CISG cho thấy, các tòa án, trọng tài có xu hướng áp dụng khá nghiêm ngặt các điều khoản này và thường yêu cầu các bên, một cách thiện chí, phải hành động rất khẩn trương để kiểm tra hàng hóa và tiến hành khiếu nại khi phát hiện có vi phạm. Ví dụ trong tranh chấp này, khiếu nại sau 16 ngày kể từ ngày nhận hàng bị coi là chậm trễ. Đây sẽ là bài học kinh nghiệm quí báu cho các doanh nghiệp Việt Nam khi đóng vai trò là người nhập khẩu trong các hợp đồng mua bán quốc tế./.

 4.BÁN HÀNG ĐANG TRANH CHẤP- NÊN HAY KHÔNG?

Khi các bên đang có tranh chấp về hàng hóa thì không nên bán lô hàng đó, hay đưa hàng vào sử dụng vì như vậy sẽ không còn bằng chứng cho việc khiếu nại, kiện tụng. Hơn nữa hành vi bán hàng thường bị coi là hành vi chấp nhận hàng.

Diễn biến tranh chấp

Ngày 10/11/1998, Người mua Trung Quốc ký hợp đồng với Người bán Singapo để mua gỗ tròn Merbau Indonesia. Trong hợp đồng có mô tả rõ ràng và cụ thể về đặc tính của hàng hóa, đơn giá, đóng gói, điều kiện thanh toán và thời gian giao hàng; quy định về kiểm tra giám định, phương pháp đo lường số lượng hàng. Hợp đồng cũng quy định về thời gian khiếu nại và điều khoản trọng tài.

Sau khi ký Hợp đồng, Người mua thanh toán bằng Thư tín dụng cho Người bán theo quy định trong hợp đồng. Khi hàng đến tại cảng đích, Người mua yêu cầu Cục giám định hàng hóa Trung Quốc ở tỉnh Quảng Đông tiến hành giám định hàng hóa. Biên bản giám định ngày 02/03/1999 kết luận thể tích của gỗ bị thiếu và nguyên nhân là do việc đo lường không phù hợp trước khi gửi hàng. Biên bản cũng kết luận về các vi phạm chất lượng, kèm theo 9 bức ảnh chụp tình trạng bị lỗi của hàng hóa.

Dựa vào Biên bản giám định, Người mua đòi Người bán bồi thường thiếu hụt về thể tích gỗ; chi phí giám định; thuế giá trị gia tăng phải trả thêm. Người bán đã trả lời yêu cầu bồi thường của Người mua bằng việc gửi cho Người mua một bức fax nói rõ nếu Người mua cho rằng hàng hóa đã không phù hợp với Hợp đồng, Người bán sẵn sàng nhận lại hàng hóa và trả lại tiền cho Người mua. Tuy nhiên Người mua đã không trả lời bức fax này của Người bán và đã bán 270 khúc gỗ mà không thông báo cho Người bán. Do bất đồng giữa hai bên, Người mua đã kiện ra trọng tài ngày 04/06/1999 yêu cầu Người bán bồi thường thiệt hại; trả phí trọng tài và các chi phí liên quan.

Lập luận của Bị đơn

Người bán cho rằng Biên bản giám định đã không phản ánh đầy đủ tình trạng của hàng hóa. Ngay sau khi nhận được Biên bản giám định từ Người mua, Người bán đã cử hai chuyên gia đến công ty Người mua để kiểm tra số hàng còn lại trong xưởng của Người mua để xác minh xem Biên bản giám định có phản ánh chính xác tình trạng của hàng hóa không. Hai chuyên gia đã kiểm tra thận trọng từng khúc gỗ trong 556 khúc gỗ còn lại.

  • Về số lượng: Người bán chỉ ra rằng khối lượng của số gỗ còn lại nhiều hơn so với Bản kê nhận hàng của Người mua, và Người bán đã thực sự giao nhiều hơn 8,18% so với Hợp đồng.
  • Về chất lượng: Người bán chỉ ra rằng Biên bản giám định chỉ dựa trên 9 bức ảnh là không đủ chứng cứ chứng minh hơn 15% số hàng bị lỗi. Người bán cũng cung cấp Giấy chứng nhận được cấp bởi Cục Lâm nghiệp Indonesia chứng nhận gỗ sau khi kiểm tra có chất lượng loại A phù hợp cho xuất khẩu.

Với những chi tiết và sự phân tích trên chỉ ra rằng Người bán đã hoàn thành nghĩa vụ theo Hợp đồng. Người bán yêu cầu Hội đồng trọng tài bác bỏ yêu cầu đòi bồi thường của Người mua.

Phân tích và quyết định của trọng tài

Về vấn đề luật áp dụng: do các bên đã không lựa chọn luật áp dụng trong Hợp đồng, và trụ sở thương mại của các bên trong Hợp đồng đều tại các quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa (CISG) và các bên đã không loại trừ CISG trong Hợp đồng, do đó Hội đồng trọng tài cho rằng CISG là luật được áp dụng  theo Điều 1(1) CISG.

Về giá trị của các Biên bản giám định: Người mua đòi tiền bồi thường đối với Người bán với lí do hàng hóa bị thiếu hụt, tuy nhiên lại không yêu cầu Cục giám định tiến hành đo lường hàng hóa theo phương pháp đã quy định trong Hợp đồng. Sau đó, Người bán phải cử chuyên gia sang nước Người mua để giám định lại theo đúng phương pháp quy định trong hợp đồng thì cho thấy hàng hóa không hề bị thiếu hụt. Về chất lượng, trọng tài cho rằng 9 bức ảnh không đủ chứng minh sự không phù hợp về chất lượng. Vì vậy, các giám định của Người mua về số lượng và chất lượng là chưa đủ cơ sở pháp lý.

Về thái độ hợp tác và thiện chí trong khi giải quyết tranh chấp: trong trường hợp này, Người bán đã thể hiện thiện chí đối với Người mua khi chấp nhận nhận lại hàng và hoàn trả tiền cho Người mua. Trọng tài cho rằng việc không trả lời bức fax của Người bán là hành động thiếu hợp tác, thiếu thiện chí của Người mua, khiến quá trình giải quyết tranh chấp trở nên khó khăn (Điều 48(2) CISG đã chỉ rõ yêu cầu Người mua phải trả lời đề nghị về cách giải quyết của Người bán khi hàng hóa không phù hợp). Hơn nữa, trong khi các bên đang tranh cãi về số lượng và chất lượng của hàng hóa, Người mua vẫn bán 270 khúc gỗ. Khi Hội đồng trọng tài yêu cầu cung cấp thông tin về việc bán số hàng đó, Người mua đã không cung cấp và viện lí do thư ký của họ đi công tác nước ngoài. Khi được yêu cầu lần thứ 2, Người mua cũng chỉ cung cấp một bản viết tay nói rằng đã bán số gỗ như trên mà không đưa ra kết quả giám định, hóa đơn cũng như các tài liệu bổ sung khác. Hơn nữa, Người mua đã không thông báo cho Người bán ý định bán hàng. Theo các Điều 86(1), 88 CISG, trong trường hợp này, Người mua bị coi là đã chấp nhận hàng và không có cơ sở để khiếu nại đòi bồi thường.

Dựa trên những cơ sở trên, Hội đồng trọng tài cho rằng Người mua đã hành động trái với những tập quán quốc tế và các điều khoản CISG. Việc Người mua đòi bồi thường đối với Người bán bị bác bỏ và Người mua phải chịu toàn bộ phí trọng tài.

Bình luận và lưu ý:

Về việc áp dụng CISG: Việc áp dụng CISG của Hội đồng trọng tài trong trường hợp này là hoàn toàn hợp lý vì các bên có liên quan đã không quy định về luật áp dụng trong Hợp đồng mà trụ sở của các bên đều ở quốc gia là thành viên của CISG. CISG đã cung cấp giải pháp hơp lý cho việc giải quyết tranh chấp này, mang đến tính công bằng và cơ sở pháp lý đúng đắn đối với những vấn đề tranh chấp.

So sánh các quy định của CISG và các quy định tương ứng của Luật Thương mại Việt Nam 2005:

  • Về tính phù hợp của hàng hóa và trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp: Điều 35, 36 CISG và điều 39, 40 Luật Thương mại 2005 quy định giống nhau.
  • Về việc kiểm tra hàng hóa của Người mua thì Điều 38(1) CISG và Điều 44(1) Luật Thương mại 2005 cũng quy định giống nhau.
  • Tuy nhiên về hậu quả việc Người mua không trả lời đề nghị về cách loại trừ thiếu sót của Người bán và về nghĩa vụ bảo quản hàng hóa của Người mua thì Luật Thương mại Việt Nam 2005 không quy định, và những vấn đề này được quy định tại các Điều 48(2); 86(1), 88(1), 88(2) CISG. Như vậy, CISG có những quy định cụ thể và đầy đủ hơn so với Luật Thương mại Việt Nam năm 2005. Các quy định của CISG về các vấn đề này là rất phù hợp với tập quán và thực tiễn mua bán hàng hóa quốc tế.

Một số lưu ý đối với doanh nghiệp Việt Nam

Về vấn đề giám định hàng hóa ở cảng đến làm cơ sở pháp lý tiến hành khiếu nại, kiện tụng, người mua cần giám định theo các quy định, tiêu chuẩn, phương pháp đã quy định trong hợp đồng. Nếu có mâu thuẫn giữa biên bản giám định với Giấy chứng nhận chất lượng, số lượng mà người bán cung cấp ở cảng đi, cần có sự đàm phán với người bán yêu cầu người bán cử đại diện sang làm giám định đối tịch (có mặt cả hai bên). Biên bản giám định đối tịch sẽ ràng buộc cả hai bên, sẽ là căn cứ pháp lý cuối cùng để giải quyết tranh chấp.

Trong quá trình giải quyết tranh chấp, các bên cần có thái độ hợp tác, thiện chí. Cần thông báo cho nhau về mọi vấn đề liên quan đến tranh chấp và cũng cần trả lời không chậm trễ về những đề xuất giải quyết tranh chấp của bên kia. Trong tranh chấp này, việc Người mua không trả lời đề xuất của Người bán về việc nhận lại hàng bị coi là hành động thiếu hợp tác và sẽ gây bất lợi cho Người mua khi tranh tụng trước trọng tài.

Lưu ý cuối cùng là phải giữ nguyên trạng hàng hóa đang tranh chấp để làm bằng chứng giải quyết tranh chấp (ví dụ giám định lại). Người mua không được bán lại, hay đưa hàng hóa vào sử dụng nếu chưa thông báo và chưa có sự đồng ý của người bán. Trong tranh chấp này, Người mua đã bán khoảng 1/3 số hàng hóa mà không hề thông báo cho Người bán, đây là điểm bất lợi rất lớn cho Người mua vì trong thực tiễn, hành động đồng nghĩa với việc chấp nhận hàng đã giao về số lượng và chất lượng./.

5. THỜI HẠN HỢP LÝ ĐỂ GIAO HÀNG ĐƯỢC HIỂU NHƯ THẾ NÀO?

Khi người bán và người mua không thỏa thuận rõ ràng về thời hạn giao hàng, thì theo CISG và pháp luật của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, người bán phải giao hàng trong một thời hạn hợp lý. Tuy vậy, trong thực tiễn, việc xác định như thế nào là thời hạn hơp lý trong từng tình huống cụ thể thường khó khăn và có thể gây ra tranh cãi.

Diễn biến tranh chấp:

Từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2008, bên bán (Công ty TNHH Holland Loader) và bên mua (Tập đoàn phát triển Alpha Prime) kí thỏa thuận mua bán hàng hóa là máy chở than được tân trang (sau đây gọi là Máy chở).

Tháng 8/2008, bên bán giao hàng là Máy chở Holland 610 tới Mexico, nhưng Máy chở chưa được tân trang. Khi bên mua phát hiện ra điều này, bên mua yêu cầu bên bán tân trang máy và bên bán đã cam kết sẽ tân trang máy.

Tháng 10/2009, bên mua khởi kiện bên bán về việc bên bán đã giao hàng không phù hợp với hợp đồng. Bên mua yêu cầu bên bán bồi thường 552.334,59 USD (bao gồm giá mua máy và chi phí giao nhận) cộng với lãi suất cho đến trước khi xét xử.

Hai bên đều đồng ý áp dụng Công ước của Liên hiệp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) để giải quyết tranh chấp.

Nguyên đơn, dựa vào điều 35, 36 của Công ước này, cho rằng bên bán đã vi phạm hợp đồng. Theo điều 35.1 CISG, người bán có nghĩa vụ “giao hàng đúng số lượng, phẩm chất và mô tả như quy định trong hợp đồng và đúng bao bì hay đóng gói như hợp đồng yêu cầu.”

Điều 36.1 CISG cũng quy định: “Người bán chịu trách nhiệm chiếu theo hợp đồng và Công ước này, về mọi sự không phù hợp nào của hàng hóa tồn tại vào lúc chuyển giao quyền rủi ro sang người mua, ngay cả khi sự không phù hợp của hàng hóa chỉ được phát hiện sau đó.”

Theo lập luận của nguyên đơn, thậm chí nếu tòa án cho rằng rủi ro chưa chuyển sang người mua và người bán không phải chịu trách nhiệm về giao hàng không phù hợp, thì người bán vẫn vi phạm về thời gian giao hàng. Theo điều 33 CISG, trong trường hợp thời gian giao hàng không được ấn định trong hợp đồng, người bán phải giao hàng trong “thời gian hợp lý sau khi hợp đồng được ký kết”. Trên thực tế, Máy chở được mua vào tháng 7/2008 nhưng tới tháng 5/2009 vẫn chưa được tân trang và giao cho bên mua, thậm chí cho tới thời điểm người mua khởi kiện người bán, máy vẫn chưa được tân trang. Đây không thể coi là khoảng thời gian hợp lý nên người mua có quyền ngừng hợp đồng.

Phân tích và quyết định của toà án:

– Liệu việc bên bán giao Máy chở chưa được tân trang tới Mexico có được coi là giao hàng không phù hợp với hợp đồng?

Trong hợp đồng, hai bên thỏa thuận mua bán Máy chở than được tân trang. Câu hỏi đặt ra là theo thỏa thuận của hai bên, khi nào thì Máy chở cần được tân trang, trước hay sau khi máy được giao tới Mexico?

Về vấn đề này, hợp đồng không có quy định cụ thể. Theo CISG thì khi giải thích hợp đồng, tòa án phải xem xét cả những tình huống cụ thể có liên quan, bao gồm cả việc giải thích những tuyên bố và cách xử sự của một bên theo nghĩa mà một người có lý trí, nếu người đó đặt vào vị trí của phía bên kia trong những hoàn cảnh tương tự cũng sẽ hiểu như thế (Điều 8.2 CISG).

Thực tế, trong Bản kiến nghị của mình, bên mua khẳng định khi bên mua phát hiện Máy chở không hoạt động sau khi máy được giao tới Mexico, bên bán cam kết sẽ hoàn thành việc tân trang sau đó nhưng đã không làm. Điều này cho thấy ngay cả khi ban đầu hai bên thỏa thuận Máy chở phải được tân trang trước khi tới Mexico thì sau đó các bên đã nhất trí lại rằng máy có thể được tân trang sau khi tới Mexico.

Tiếp đó, để xác định bên bán có phải chịu trách nhiệm về sự không phù hợp của hàng hóa vào lúc chuyển giao rủi ro sang người mua, cần xác định liệu rủi ro đã chuyển sang người mua hay chưa?

Theo điều 69.2 CISG thì “nếu người mua bị ràng buộc phải nhận hàng tại một nơi khác với nơi có xí nghiệp thương mại của người bán, rủi ro được chuyển giao khi thời hạn giao hàng phải được thực hiện và người mua biết rằng hàng hóa đã được đặt dưới quyền định đoạt của họ tại nơi đó. ”

Trong vụ kiện này, tòa án cho rằng thiếu căn cứ xác thực về việc rủi ro đã chuyển sang người mua. Cụ thể là không có căn cứ xác thực về địa điểm người mua ràng buộc phải nhận hàng; về thời gian người mua phải nhận hàng, trước hay sau khi Máy chở được tân trang; và về việc liệu hàng hóa đã được đặt dưới sự định đoạt của người mua hay chưa? Vì vậy, tòa án bác bỏ lập luận của người mua dựa trên điều 36 CISG, và kết luận người bán không phải chịu trách nhiệm vì giao hàng không phù hợp với hợp đồng.

  • Thế nào là thời gian giao hàng hợp lý?

Trong hợp đồng không quy định ngày giao hàng nên căn cứ điều 33 CISG, người bán phải giao hàng trong “thời gian hợp lý”. Khoảng thời gian hợp lý này được xác định như thế nào?

Tính hợp lý ở đây phụ thuộc vào hoàn cảnh cũng như những điều kiện thương mại có thể chấp nhận được trong từng vụ việc cụ thể. Trong trường hợp này, các bằng chứng cho thấy việc tân trang máy cần khoảng thời gian từ 120 tới 180 ngày và người mua cũng tỏ ý với người bán là không có nhu cầu ngay lập tức đối với hàng hóa. Vì thế, tòa án cho rằng việc chậm trễ tân trang máy của người bán là hợp lý. Hơn thế, thực tế vào tháng 5/2009, người mua đã tỏ dấu hiệu từ chối nhận hàng, nên người bán không còn có nghĩa vụ phải giao hàng cho người mua.

Chính vì thế, tòa án bác bỏ lập luận của người mua về việc người bán không hoàn thành nghĩa vụ giao hàng trong khoảng thời gian hợp lý.

Bình luận và lưu ý:

– Về việc giải thích hợp đồng theo CISG

Hợp đồng là văn bản có giá trị hiệu lực cao nhất ràng buộc hai bên mua bán. Tuy nhiên, theo CISG, hợp đồng mua bán không nhất thiết phải ký kết hoặc xác nhận bằng văn bản, và một văn bản ký kết giữa hai bên không nhất thiết là những thỏa thuận mang tính kết luận cuối cùng. Những thỏa thuận sau đó giữa hai bên, thể hiện qua các tuyên bố hay hành động cụ thể cũng cần xem xét khi giải thích điều khoản của hợp đồng.

Tuy nhiên, khi hợp đồng đã lập thành văn bản thì mọi thỏa thuận bổ sung cũng nên lập thành văn bản. Trong vụ kiện này, nếu bên bán, sau khi đạt được thỏa thuận với bên mua về việc có thể tân trang máy sau khi máy được giao tới Mexico, lập một văn bản thể hiện sự nhất trí của hai bên thì đã tránh được tranh chấp phức tạp xảy ra sau đó.

Về khoảng thời gian giao hàng hợp lý

Thời hạn giao hàng là một trong những nội dung quan trọng trong hợp đồng mua bán, tuy nhiên, CISG cho phép các bên không ấn định thời hạn giao hàng trong hợp đồng.

So sánh với pháp luật Việt Nam (cụ thể là Luật Thương mại) thì Luật Thương mại năm 1997 quy định thời hạn giao hàng là một trong những nội dung bắt buộc của hợp đồng mua bán hàng hóa, tuy nhiên, Luật Thương mại năm 2005 đã bỏ quy định này. Luật Thương mại năm 2005, tương tự CISG, cũng quy định rằng khi không có thỏa thuận về thời hạn giao hàng thì xác định thời hạn giao hàng là một khoảng thời gian hợp lý. Điều này tạo thuận lợi cho các bên nhưng cũng dẫn tới nhiều tranh chấp. Vì vậy, các bên tốt nhất nên quy định thời hạn giao hàng trong hợp đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hợp đồng cũng như tránh tranh chấp sau này.

Trong vụ tranh chấp này, tòa án đã xác định khoảng thời gian hợp lý căn cứ vào các điều kiện hoàn cảnh cụ thể, tính tới khoảng thời gian cần thiết để tân trang máy, việc người mua tỏ ý không cần hàng gấp và sau đó có dấu hiệu từ chối nhận hàng, từ đó kết luận việc người bán giao hàng chậm là hợp lý. Tuy nhiên, lẽ ra tòa án nên xem xét việc ngay khi phát hiện ra máy chở chưa được tân trang, người mua đã thông báo cho người bán và người bán đã cam kết tân trang máy. Vì thế, sau đó người bán nên nhanh chóng tiến hành việc tân trang máy trong thời gian 120-180 ngày, nhưng thực tế tới ngày 05/2009 (tức là 9 tháng sau khi máy được giao tới Mexico) máy vẫn chưa được tiến hành tân trang. Như vậy, người bán đã không dành khoảng thời gian hợp lý này để thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Trong quyết định của mình, đáng tiếc là tòa án đã không đề cập tới vấn đề này, và người bán đã không phải chịu trách nhiệm gì với người mua./.

 

 

 

3 bình luận về “Nghĩa vụ các bên

  1. Chào anh (chị),
    Về phần nghĩa vụ của các bên, tôi có một thắc mắc rất mong anh( chị) cho ý kiến:
    Khi một bên trong hợp đồng vi phạm nghĩa vụ, bên kia đã gia hạn một thời hạn hợp lý để bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ, nhưng trong thời hạn gia hạn đó, đã có vấn đề phát sinh ảnh hưởng tới nghĩa vụ của bên bị vi phạm, thì bên vi phạm có phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình hay không?
    Ví dụ cụ thể là bên mua và bên bán đã thỏa thuận thanh toán trước khi giao hàng, đến hạn thanh toán nhưng người mua đã không thanh toán. Người bán đã gia hạn một thời hạn cho người mua thanh toán, nếu không sẽ không giao hàng. Và trong thời hạn gia hạn này, hàng hóa của bên bán đã có một số trục trặc về kỹ thuật. Như vậy, trong trường hợp này, người mua có phải tiếp tục thanh toán cho người bán không?
    Rất mong các quý tác giả có thêm những bài viết về những vấn đề phát sinh trong thời hạn gia hạn này để bạn đọc có cơ hội tham khảo và tìm hiểu thêm về Công ước Viên.
    Chân thành cảm ơn các tác giả.

  2. Chào bạn Diễm,

    Nguyên tắc chung khi xử lý trường hợp một bên gia hạn cho bên kia thực hiện nghĩa vụ là bên gia hạn không được thực hiện các chế tài khác (trừ yêu cầu bồi thường thiệt hại do sự chậm trễ thực hiện nghĩa vụ). Nếu bên bị vi phạm lại vi phạm một nghĩa vụ khác của Hợp đồng thì sẽ áp dụng các nguyên tắc “vi phạm trước” như quy định tại Điều 71-72 của CƯ.

    Trong thí dụ cụ thể của bạn về việc gia hạn thanh toán, nói chung người mua khó có thể viện lý do hàng hóa có trục trặc về kỹ thuật để từ chối thanh toán (vì hợp đồng quy định thỏa thuận thanh toán độc lập với giao hàng). Tuy nhiên bên mua có thể viện dẫn Điều 71-72 để dừng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán hoặc thậm chí hủy hợp đồng nếu xác định/chứng minh được dấu hiệu rõ ràng/hiển nhiên của việc bên bán (đã/sẽ) không thực hiện một phần chủ yếu những nghĩa vụ của họ hoặc vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Tùy chi tiết cụ thể của vi phạm của bên bán (ví dụ hàng hóa hoàn toàn sai quy cách so với yêu cầu, hay chỉ có những trục trặc nhỏ có thể sửa chữa, bên mua đã kiểm tra, phát hiện khi nào, và có thông báo cho bên bán kịp thời không), cần cân nhắc thêm về sự thiện chí, trung thực trong hành động của các bên khi áp dụng Điều 71 hoặc 72.

    Thân,
    Mod

  3. Mr_Linh
    Về vấn đề bạn hỏi, mình xin bổ sung thêm ý kiến sau :
    Nếu trong quá trình gia hạn mà hàng hóa của bên bán xảy ra trục trặc kỹ thuật, thì người mua có quyền sử dụng quyền kiểm tra hàng hóa được quy định tại điều 38 CISG để kiểm tra hàng hóa và nếu trục trặc kỹ thuật dẫn đến hàng hóa không đúng tiêu chuẩn trong Hợp đồng, người mua có thể từ chối nhận hàng, hoặc yêu cầu giao hàng khác theo đúng thỏa thuận.
    Tất nhiên, trong trường hợp này người mua vẫn phải thanh toán cho người bán bởi vì điều kiện là thanh toán trước giao hàng sau. Người mua chưa thanh toán thì cũng chưa phát sinh nghĩa vụ giao hàng của người bán, trong khoảng thời gian đó, người bán có thể thay thế hàng khác phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng. Và nếu người mua không thanh toán thì người mua đã vi phạm nghĩa vụ của mình trước.

Gửi phản hồi cho Mr _ LInh Hủy trả lời