Vi phạm cơ bản hợp đồng

Theo quy định của CISG, khi một bên vi phạm hợp đồng và vi phạm đó là vi phạm cơ bản thì bên kia có quyền hủy hợp đồng. Khái niệm “vi phạm cơ bản” vì vậy là khái niệm trung tâm trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh do vi phạm HĐ. Thực tiễn tranh chấp trong kinh doanh quốc tế cho thấy không dễ dàng đề xác định đâu là vi phạm cơ bản. Các án lệ sau đây sẽ cho thấy cách thức mà tòa án/trọng tài xác định tính chất cơ bản của một vi phạm hợp đồng đối với các vi phạm khác nhau của người bán và người mua.

1. NGƯỜI BÁN TUYÊN BỐ NGỪNG GIAO HÀNG

Tranh chấp giữa Bên mua là các công ty của Achentina và của Hungary, Bên bán là một công ty của Nga. Bên mua kiện bên bán đã vi phạm cơ bản hợp đồng vì đã không giao hàng như cam kết. Bên bán, ngược lại, cho rằng chính bên mua đã vi phạm cơ bản hợp đồng vì đã chậm thanh toán. Tranh chấp được xét xử tại Hội đồng trọng tài Zurich, phán quyết tuyên ngày 31/05/1996. Công ước Viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (sau đây gọi tắt là CISG) đã được áp dụng để giải quyết tranh chấp do Nga, Achentina và Hungary đều là các quốc gia thành viên của CISG.

Diễn biến tranh chấp

Từ năm 1991, một người bán Nga (một tổ chức của Chính phủ) ký kết một số hợp đồng bán nhôm cho một số người mua có trụ sở kinh doanh ở Achentina và Hungary (sau đây gọi là Bên mua). Việc giao hàng được tiến hành đúng thời hạn cho tới khi công ty người bán chuyển quyền sở hữu cho một công ty tư nhân của Nga. Công ty này ngay lập tức tuyên bố sẽ không tiếp tục thực hiện việc giao hàng.

Trong quá trình trao đổi thư từ giữa hai bên sau đó, Bên mua lưu ý rằng, họ sẽ phải chịu những thiệt hại nặng nề nếu như hàng hoá không được giao đúng hạn. Bên bán đưa ra hoá đơn theo đó ghi rõ số tiền cụ thể đòi bên mua phải thanh toán theo nhiều chuyến hàng trước đó. Bên bán cho rằng, việc Bên mua trì hoãn thanh toán tiền hàng những lô hàng trước dẫn tới vi phạm cơ bản nghĩa vụ của Bên mua theo hợp đồng, do vậy, Bên bán có quyền từ chối thực hiện hợp đồng.

Bên mua đề nghị đàm phán để giải quyết tranh chấp nhưng Bên bán từ chối. Bên mua đã kiện Bên bán ra trọng tài đòi bồi thường các khoản thiệt hại phát sinh do không giao hàng.

Phân tích và quyết định của trọng tài

Về việc người bán vi phạm nghĩa vụ giao hàng: Trọng tài phán xét rằng, việc người bán ngừng giao hàng dẫn tới vi phạm nghĩa vụ của người bán theo điều 30 CISG. Hơn nữa, người bán lại tuyên bố rõ là từ chối thực hiện nghĩa vụ giao hàng, điều này khiến cho vi phạm của người bán cấu thành vi phạm cơ bản theo điều 25 CISG và vì vậy, bên mua được quyền tuyên bố huỷ hợp đồng mà không cần phải gia hạn cho người bán (theo điều 49.1.a CISG).

– Việc người mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán: Để xem xét liệu vi phạm của Bên mua về nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng giao hàng từng phần có phải là vi phạm cơ bản hay không, trọng tài đã trích dẫn điều 73.2 CISG, “nếu một bên không thực hiện một nghĩa vụ có liên quan đến bất cứ lô hàng nào cho phép bên kia có lý do xác đáng để cho rằng sẽ có một sự vi phạm cơ bản với các lô hàng sẽ được giao trong tương lai thì họ có thể tuyên bố huỷ hợp đồng đối với các lô hàng tương lai đó”. Trọng tài lập luận rằng, không có chứng cứ chỉ ra việc Bên mua không thể hay không có thiện chí thực hiện nghĩa vụ thanh toán của mình, vì trên thực tế, Bên mua vẫn có khả năng thanh toán và vẫn muốn đàm phán với Bên bán về việc tiếp tục thực hiện hợp đồng. Hơn nữa, Bên bán đã không gia hạn thêm cho việc thanh toán và vì thế không thể đòi hủy hợp đồng theo điều 64.1.b CISG.           Trọng tài chỉ thêm rằng, việc Bên bán từ chối đàm phán với Bên mua đi ngược lại với nguyên tắc thiện chí.

Với những lập luận nói trên, trọng tài ra phán quyết người mua được đòi bồi thường những thiệt hại cho những tổn thất thực tế của họ (bao gồm chi phí lưu kho và chi phí tài chính phát sinh do việc ngừng giao hàng), theo điều 74 CISG.

Bài học kinh nghiệm

Thứ nhất, nếu không vì lý do bất khả kháng, người bán không nên tự động tuyên bố việc ngừng thực hiện hợp đồng, nếu không, vi phạm của người bán sẽ bị coi là vi phạm cơ bản và người bán sẽ phải bồi thường những thiệt hại đối với người mua do việc vi phạm hợp đồng của người bán gây ra.

– Thứ hai, người bán muốn quy kết người mua vi phạm cơ bản hợp đồng thì phải có những căn cứ xác đáng và bằng chứng chứng minh. Trong trường hợp người mua chậm thanh toán, đây không được coi là vi phạm cơ bản, người bán không có quyền ngay lập tức hủy hợp đồng. Người bán phải gia hạn cho người mua một thời hạn hợp lý để người mua thực hiện nghĩa vụ. Nếu hết thời hạn này mà người mua vẫn không thanh toán thì người bán có quyền hủy hợp đồng và đòi các thiệt hại phát sinh (theo điều 64 CISG).

– Thứ ba, người bán không nên từ chối việc đàm phán với người mua để giải quyết các tranh chấp. Điều này thể hiện sự không thiện chí, thiếu hợp tác của người bán và mâu thuẫn với nguyên tắc thiện chí và trung thực trong thương mại quốc tế. Đây sẽ là điểm bất lợi cho người bán trong quá trình khiếu nại, kiện tụng.

2. NGƯỜI BÁN CHẬM GIAO HÀNG

Thông thường, khi người bán chậm giao hàng, người mua không được quyền hủy hợp đồng mà chỉ được đòi bồi thường thiệt hại. Tuy vậy, trong một số tình huống nhất định, người mua có quyền hủy hợp đồng ngay khi người bán không thể giao hàng khi hết thời hạn.

Tranh chấp giữa công ty Diversitel Communications Inc. (Canada) và công ty Glacier Bay Inc. (Mỹ). Người bán Mỹ không giao hàng khi hết thời hạn quy định trong hợp đồng. Hai bên tranh cãi về việc liệu người mua Canada có quyền hủy hợp đồng hay không. Tranh chấp được xét xử tại Tòa Công lý tối cao tại Ontario (Ontario Supreme Court of Justice), phán quyết tuyên ngày 06/10/2003.

Diễn biến tranh chấp:

Người mua Canada và người bán Mỹ đã ký kết một hợp đồng mua bán hệ thống cách nhiệt chân không. Để đáp ứng những thỏa thuận đã tồn tại từ trước tới nay với Bộ quốc phòng Canada về chất lượng thiết bị và quá trình lắp đặt hệ thống tại một nhà máy ở Bắc Cực, người mua đã cố định một lịch trình giao hàng cụ thể.

Người mua đã thanh toán theo giá hợp đồng nhưng người bán không giao hàng trong thời gian đã thỏa thuận. Người mua đã kiện người bán ra Tòa án Công lý tối cao bang Ontario yêu cầu hủy hợp đồng. Người bán không đồng ý, cho rằng người bán không có đủ căn cứ để hủy hợp đồng.

Phân tích và quyết định của tòa án.

Về luật áp dụng, Tòa tuyên bố rằng Công ước Viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa (CISG) sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp vì Canada và Mỹ đều là thành viên của Công ước này.

Để xem xét hợp đồng có thể bị hủy hay không, tòa đã dẫn chiếu điều 25 CISG: “Một sự vi phạm hợp đồng do một bên gây ra là vi phạm cơ bản nếu sự vi phạm đó làm cho bên kia bị thiệt hại mà người bị thiệt hại, trong một chừng mực đáng kể bị mất cái mà họ có quyền chờ đợi trên cơ sở hợp đồng, trừ phi bên vi phạm không tiên liệu được hậu quả đó và một người có lý trí minh mẫn cũng sẽ không tiên liệu được nếu họ cũng ở vào hoàn cảnh tương tự”.

Tòa cho rằng lịch trình giao hàng đã ấn định trong hợp đồng và đây là yếu tố vô cùng quan trọng đối với người mua. Lý do là vì thiết bị do người bán cung cấp sẽ phải được lắp đặt trong một khoảng thời gian ngắn tại Bắc Cực. Mùa hè ở Bắc Cực rất ngắn nên nếu người bán giao hàng chậm, người mua sẽ không lắp đặt được thiết bị theo thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Canada và như vậy, người mua sẽ không đạt được mục đích của mình khi giao kết hợp đồng với người bán. Người bán cũng biết về tầm quan trọng đó vì trên thực tế, người bán đã biết rằng những thiết bị do người bán cung cấp sẽ được lắp đặt tại Bắc Cực tuân theo những thỏa thuận có trước giữa người mua với Bộ quốc phòng Canada. Do vậy, người bán đã vi phạm nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng.

Với lập luận nói trên, tòa tuyên bố người mua có quyền hủy hợp đồng (theo điều 49, khoản 1- CISG), đòi lại số tiền đã thanh toán cho người bán.

Bình luận và bài học kinh nghiệm:

Án lệ này là ví dụ điển hình về việc chậm giao hàng cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng. Về nguyên tắc, trong mua bán hàng hóa quốc tế, việc người bán chậm giao hàng thường không cấu thành vi phạm cơ bản, nếu sau đó, hàng hóa vẫn có thể được người mua sử dụng cho mục đích của mình. Tuy vậy, trong án lệ trên, và trong một số trường hợp khác đã được tổng kết từ thực tiễn xét xử (hàng mùa vụ, thời hạn giao hàng là một ngày cụ thể, người mua đã thông báo về nhu cầu hàng gấp của mình), khi thời hạn giao hàng là một yếu tố quan trọng của hợp đồng thì thì người mua có quyền hủy hợp đồng khi người bán không thể giao hàng trong thời hạn đã thỏa thuận.

Tham khảo thêm Bản án của Toà Phúc thẩm Mi-lan (Italia) ngày 20/3/1998 và Phán quyết trọng tài ICC số 8128 năm 1995 (tại www.unilex.info)

3. THÔNG BÁO & THỜI HẠN THÔNG BÁO VỀ TÌNH TRẠNG CỦA HÀNG HÓA CHO BÊN BÁN

Trong trường hợp sau khi người bán giao hàng cho người mua, người mua phát hiện có những hàng hóa bị hư hỏng, không đủ khối lượng, không đảm bảo chất lượng như đã thỏa thuận, người mua hàng sẽ có quyền từ chối thanh toán số hàng đó với giá theo thỏa thuận ban đầu (Điều 50 CISG). Song để đảm bảo được hưởng quyền trên, người mua cũng có nghĩa vụ phải thông báo cho người bán về những sự việc này trong một thời gian hợp lý để đảm bảo hạn chế đến mức tối thiểu các thiệt hại có thể xảy ra (Điều 39 (1) CISG).

Diễn biến tranh chấp:

Một hợp đồng mua bán khoai tây được ký kết giữa Người bán Cộng hòa Czech và người mua Slovak.  Vào ngày 11/6/2004 người bán giao 12.000 kg hàng cho người mua. Cùng ngày, trong lúc chuyển giao hàng hóa, công nhân của người mua phát hiện có 144kg khoai tây không đạt chất lượng như đã cam kết. Song, để chắc chắn về việc này, người mua đã tiến hành kiểm tra cẩn thận, thì, vào ngày 14/6 người mua lại phát hiện có 3.680 kg khoai tây kém chất lượng. Do đó, cùng ngày, người mua đã thông báo cho người bán về việc khoai tây không đạt tiêu chuẩn theo thỏa thuận cùng với ý định hồi trả lượng hàng hóa. Và, để giảm thiểu thiệt hại, người bán đề nghị được rửa lượng khoai tây của mình tại cơ sở của người bán; người bán đồng ý. Sau đó, các bên đã đồng ý rằng người mua được bồi thường chi phí phát sinh và những thiệt hại do việc hàng hóa không đạt chất lượng như cam kết gây ra. Do đó, người mua sẽ được giảm giá mua hàng. Cuối cùng, người bán yêu cầu được thanh toán đối với mẻ hàng khác đã được giao tới người mua, và đơn phương khấu trừ khoản nợ đó với số tiền tương ứng với khoản thiệt hại do việc hàng hóa không đạt chất lượng như đã cam kết gây ra. Tuy nhiên sau đó, người bán đã khởi kiện người mua về giá thanh toán.

Phán quyết của Tòa án:

Tòa án sơ thẩm đã đứng về phía người mua bằng cách áp dụng Luật Slovak và yêu cầu người bán phải hoàn trả chi phí của vụ kiện cho người mua. Người bán đã kháng cáo.

Tòa phúc thẩm đã hoàn trả hồ sơ này cho toà án cấp dưới và yêu cầu điều tra thêm vì theo họ, cả hai bên của hợp đồng đều có địa điểm kinh doanh thuộc các quốc gia tham gia Công ước Viên về mua bán hàng hóa (CISG), và điều (Điều 1(1)(a) CISG) đã không được áp dụng khi Tòa cấp dưới xét xử vụ việc.

Sau khi xem xét lại các bằng chứng do các bên cung cấp, Tòa án đã đi đến kết luận rằng thông báo của người mua về việc hàng hóa không đạt chất lượng đã tuân thủ yêu cầu được đặt ra tại Điều 39 CISG. Thực vậy, người bán đã thông báo cho người mua về việc hàng hóa không đáp ứng được chất lượng như đã thỏa thuận vào ngày làm việc tiếp theo sau ngày kiểm tra kỹ. Kết quả, Tòa án đã tuyên bố người mua được quyền để từ chối thanh toán theo giá gốc đã được thỏa thuận trước và bác bỏ yêu cầu bồi thường của người bán.

Bài học kinh nghiệm:

Bên mua nên thiện chí thông báo cho bên bán trong một thời hạn hợp lý trong trường hợp bên mua nhận được hàng hóa từ bên bán không đúng như thỏa thuận ban đầu để bên mua vừa có thể hưởng được quyền giảm giá thanh toán vừa giảm thiểu được thiệt hại có thể xảy, đồng thời việc thông báo này có thể là tiên đề để các bên có thể tiếp tục mối quan hệ làm ăn lâu dài.

4. CHẤM DỨT THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG DO BÊN KIA VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG

Trường hợp, bên bán thấy rõ được bên mua sẽ vi phạm nghiêm trọng các điều khoản của Hợp đồng trong quá trình thực hiện hợp đồng, bên bán sẽ có quyền chấm dứt việc thực hiện hợp đồng và yêu cầu bên mua bồi thường thiệt hại. Điều 53, 71 và 75 của CISG quy định rõ trường hợp này sẽ được giải quyết như thế nào.

Diễn biến vụ việc:

Giữa tháng 4 và 10/2007, người bán Hàn Quốc và Người mua Hoa Kỳ cùng kết ký một loạt Hợp đồng sản xuất và phân phối khoảng 500.000 quần áo phụ nữ đến địa điểm kinh doanh của người mua tại Hoa Kỳ. Theo các điều khoản về đơn đặt hàng, người mua có nghĩa vụ thanh toán cho người bán trong vòng 15 ngày sau khi nhận được hàng. Vào tháng 7 và tháng 8 năm 2007, người bán đã gửi một phần đơn đặt hàng đã nhận được cho dù chưa được người mua thanh toán. Suốt tháng 10 và 11 sau đó, nhận được cam kết chắc chắn người mua sẽ thanh toán cho các lô hàng đã được giao, người bán tiếp tục gửi phần lô hàng may mặc còn lại. Sau đó, người bán đã đồng ý giảm giá cho người mua và thanh toán trong năm đợt, nhưng, người mua đã không tuân thủ đúng việc thanh toán theo kế hoạch đã cam kết, do vậy, người bán đã tạm ngưng các đợt giao hàng tiếp theo và giữ lại một vài lô hàng may mặc tại Los Angeles. Sau khi hoàn thành một số vấn đề để bảo vệ hàng hóa và thu được một số tiền từ việc bán hàng của mình, người bán đã khởi kiện người mua.

Phán quyết của Tòa án:

Tòa án đã xác định hợp đồng này được điều chỉnh bởi CISG vì các bên tham gia hợp đồng đều có địa điểm kinh doanh tại các nước tham gia CISG (Điều 1(1)(a) CISG).

Theo các sự kiện của vụ tranh chấp, Tòa án thấy người mua vi phạm hợp đồng đã ký với người bán, vì đã không thanh toán cho số hàng hóa đã được phân phối theo quy định tại Điều 53 CISG. Tòa án đã tuyên bố người bán có quyền thu hồi số tiền chênh lệch giữa tổng giá hợp đồng và giá gửi hàng trong tháng 7, tháng 8 và tháng 10.

Người bán cũng yêu cầu được thanh toán những thiệt hại cho các lô hàng may mặc đã được sản xuất nhưng không được phân phối. Xem xét Điều 71 CISG, Tòa án thấy, bên bán có đầy đủ quyền để chấm dứt việc phân phối lô hàng cuối cùng cho bên mua, vì theo thực tế giao nhận hàng trước đó bên bán đã biết chắc chắn việc giao lô hàng cuối này sẽ không thể nhận được sự thanh toán từ bên mua. Hơn nữa, theo Điều 72 CISG, điều này cho phép một trong các bên của hợp đồng có thể chấm dứt hợp đồng trước ngày thực hiện nếu có dấu hiệu rõ ràng rằng Bên còn lại của hợp đồng sẽ thực hiện những vi phạm nghiêm trọng trong Hợp đồng, do đó Tòa án thấy việc chấm dứt hợp đồng của người bán và giữ lại hàng hóa là phù hợp với quy định của CISG. Sau khi chấm dứt hợp đồng, bên bán có quyền thực hiện việc bán hàng hóa cho người khác và yêu cầu bồi thường thiệt hại giữa khoản chênh lệch giữa giá bán lại và giá hợp đồng hoặc khoản chênh lệch giữa giá hiện tại và giá trong hợp đồng (Điều 75-76 CISG).

Tòa án cũng chú ý rằng có trường hợp người bán đã thực hiện các biện pháp khắc phục đầu tiên, nhưng vẫn chưa bán lại được các lô hàng may mặc vì e ngại việc bán lại này sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật về nhãn hiệu. Để giải quyết vấn đề này, dựa trên án lệ Hoa Kỳ, toà án chỉ ra khi người bán sản xuất hàng hóa đã được đăng ký nhãn hiệu theo đơn đặt hàng từ chủ sở hữu nhãn hiệu, và sau đó bị từ chối việc thanh toán một cách vô lý, thì người bán sẽ được cấp phép để bán những hàng hóa đó mà không bị vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ về đăng ký nhãn hiệu. Theo đó, Tòa án phán quyết rằng bên mua phải bồi thường một số tiền $840.085,94 cho bên bán và bên bán có thể bán số sản phẩm may mặc do mình sản xuất mà không bị coi là vi phạm các quyền nhãn hiệu của người mua.

Bình luận, bài học kinh nghiệm

Bên bán hoàn toàn có thể chấm dứt Hợp đồng mua bán hàng hóa với bên mua trước thời hạn đã được thỏa thuận trong Hợp đồng, nếu có dấu hiệu rõ ràng, hợp lý rằng bên mua sẽ không thể thực hiện được những nghĩa vụ quan trọng của Hợp đồng mặc dù bên bán đã thực hiện Hợp đồng một cách trung thực và thiện chí theo quy định của CISG.

Điều 415 Bộ Luật Dân Sự 2005 của Việt Nam cũng có quy định cho phép bên phải thực hiện nghĩa vụ trước có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ nếu ‘tài sản của bên kia đã bị giảm sút nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ như đã cam kết cho đến khi bên kia có khả năng thực hiện được nghĩa vụ hoặc có người bảo lãnh’’.[1] Song, quy định này vẫn chưa cho người bán trong sự việc trên có quyền chấm dứt hợp đồng, mà phải đợi cho đến khi người mua có khả năng thực hiện hợp đồng hoặc có sự bảo lãnh của bên thứ ba nào đó. Như vậy, rất có thể thiệt hại lại càng lớn hơn, thậm chí bên bán sẽ không thể giải quyết tình trạng hàng hóa, dẫn đến phá sản hoặc giải thể vì thiếu vốn sản xuất. Rõ ràng, quy định của CISG giúp người bán tối thiểu hóa được thiệt hại có thể xảy ra cho mình lẫn cho bên mua.

Về phía người mua, nếu không thể thanh toán cho bên bán theo đúng thỏa thuận ban đầu vì những lý do không lường trước trong kinh doanh, người mua hoàn toàn có thể thông báo, thỏa thuận lại với bên bán về thời hạn thanh toán trên tinh thần hợp tác, không nên giữ thái độ im lặng khiến cho việc thực hiện hợp đồng có thể bị chấm dứt, đồng thời góp phần hạn chế những thiệt hại cho bên bán vì nếu có sự thỏa thuận lại thì bên bán có thể hạn chế việc sản xuất các lô hàng sau này.

Ngoài ra, khi giao dịch mua bán hàng hóa với các đối tác Hoa Kỳ, bên Việt Nam nên cẩn trọng đối với việc tòa án xét xử tại Hoa Kỳ có thể áp dụng án lệ và pháp luật Hoa kỳ cho những trường hợp tương tự mà CISG không quy định (như vấn đề vi phạm quyền nhãn hiệu). Việc áp dụng này thường có lợi hơn cho bên bán. Vì vậy bên Việt Nam nên cố gắng thỏa thuận quy định tòa án/tòa trọng tài ở Việt Nam hoặc một nước thứ ba để giảm thiểu việc lạm dụng này.

21 bình luận về “Vi phạm cơ bản hợp đồng

  1. Qua lời giới thiệu của một đối tác, công ty TNHH A của Hàn Quốc biết được rằng công ty cổ phần B của Việt Nam đang cần mua màn hình LCD của Sam sung. Ngày 15/3/2009 công ty TNHH A (Hàn Quốc) gửi đề nghị giao kết hợp đồng đến công ty cổ phần B (Việt Nam) để chào bán 100 màn hình LCD Samsung với giá X, thời hạn trả lời cuối cùng là ngày 31/3/2009 (đến hết 5h chiều giờ Hàn quốc). Theo đề nghị, nếu B đồng ý, A sẽ giao hàng cho B trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày nhận được chấp nhận đề nghị của B. Ngày 28/3/2009, công ty B đã fax trả lời A với nội dung đồng ý mua 100 màn hình LCD nói trên và thêm rằng A sẽ giao hàng cho B theo điều kiện CIF Hải Phòng Incoterms 2000. Nhận được fax của B, A không trả lời. Đến 3h30 chiều ngày 31/3, B quyết định không mua hàng nữa do giá LCD trên thị trường giảm xuống đột ngột, liền fax sang cho A.
    Giả sử đến ngày 5/4, B nhận được thông báo của A theo đó A sẽ giao hàng cho bên chuyên chở vào ngày 15/4, và hàng sẽ đến cảng Hải phòng vào ngày 25/4. Sau khi nhận được thông báo của A, B đã fax lại và khẳng định rằng B từ chối mua hàng của A. A vẫn cứ tiến hành giao hàng cho B và đề nghị B thanh toán. B không nhận hàng và từ chối thanh toán.
    Vậy hợp đồng giữa A và B đã hình thành chưa nếu áp dụng Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế. A và/hoặc B có vi phạm hợp đồng nếu có không? Giả sử B gửi đơn kiện lên Tòa kinh tế Tòa án Thành phố Hà nơi B có trụ sở, Tòa có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này không, biết rằng giữa A và B không có thỏa thuận trọng tài.

  2. Công ty M (Mỹ) 01/2015/M-N bán, lắp đặt và vận hành một máy in đã qua sử dụng cho công ty N (Việt Nam) với tổng giá trị hợp đồng là 400.000 (bốn trăm nghìn) đô la Mỹ. Tháng 3 năm 2015, công ty M giao máy in cho công ty N và cử các nhân viên kỹ thuật sang Việt Nam để lắp đặt và vận hành chiếc máy cho công ty N theo đúng thỏa thuận. Tuy nhiên sau khi lắp đặt xong máy in lại không vận hành được. Công ty N đã yêu cầu công ty N tiến hành sửa chữa ngay vì công ty N đang cần in gấp sản phẩm để giao cho khách hàng. Công ty M đã từ chối sửa chữa máy in vì lý do nguồn điện mà công ty N đang sử dụng không phù hợp và yêu cầu công ty N cần chạy máy in bằng một nguồn điện thay thế phù hợp khác. Tháng 5/2015 công ty N cho chạy máy in với nguồn điện mới thay thế nhưng chiếc máy in vẫn không vận hành được. Đến hết tháng 6/ 2015, các bên vẫn chưa tìm được nguyên nhân của tình trạng nói trên. Để kịp giao hàng cho những hợp đồng ký kết trước đó, công ty N đã mua một chiếc máy in khác từ công ty Q (Hà lan) để thay thế chiếc máy in bị hỏng. Sau khi mua được chiếc máy in thay thế, công ty N đã tuyên bố hủy hợp đồng số 01/2015/M-N đồng thời yêu cầu công ty M hoàn trả những khoản tiền thanh toán đã trả và bồi thường chi phí liên quan khác, tổng cộng là 650.000 (sáu trăm năm mươi nghìn) đô la Mỹ, bao gồm 80% giá trị hợp đồng đợt 1; chi phí chuyển khoản qua ngân hàng để thanh toán giá trị hợp đồng; chi phí cho việc nhập khẩu chiếc máy in; chi phí thay thế nguồn điện khác; chi phí mua vật liệu để các nhân viên kỹ thuật của công ty sử dụng trong thời gian cố gắng vận hành chiếc máy in; chi phí ăn ở của các nhân viên kỹ thuật của công ty M trong thời gian họ ở Việt Nam; chi phí mà công ty thuê lại các công ty khác thực hiện các hợp đồng in ấn Mà công ty N đã ký với khách hàng và khoản tiền chênh lệch giữa giá của chiếc máy in theo hợp đồng số 01/2015/M-N và giá của chiếc máy in mua thay thế. Công ty M lại cho rằng công ty N đã có sự vi phạm nghiêm trọng khi đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu công ty N thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng theo đúng thỏa thuận. Công ty M đã khởi kiện công ty N ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh phòng thương mại và công thương Việt Nam (VIAC).Trong hợp đồng số 01/2015/ M-N, hai công ty đã tự nguyện thỏa thuận và thống nhất: (1) Hợp đồng này chịu sự điều chỉnh của công ước Viên 1980 của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG); (2) Tranh chấp giữa các bên trong hợp đồng sẽ được giải quyết tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh phòng thương mại và công thương Việt Nam (VIAC).

    • Hi bạn Giang,

      Trường hợp bạn đưa ra có 2 vấn đề cần làm rõ:

      1/. Về thực tế: nguyên nhân máy không chạy được cần làm rõ (trọng tài có thể chỉ định một chuyên gia để xác định vấn đề này). Nếu nguyên nhân vì nguồn điện hoặc các lý do thuộc trách nhiệm của bên mua (cty N) thì công ty N không có cơ sở đơn phương hủy hợp đồng. Ngược lại, nếu nguyên nhân máy không chạy được hoàn toàn do lỗi của bên bán (cty M), thì công ty N có quyền đơn phương hủy hợp đồng nhưng phải đáp ứng các yêu cầu về trình tự thủ tục theo Điều 48 và 49 của CISG. Theo Điều 49 của CƯ thì bên mua có quyền hủy hợp đồng nếu bên bán có vi phạm cơ bản (theo Điều 25 vi phạm cơ bản là khi bên bị vi phạm “trong một chừng mực đáng kể bị mất cái mà họ có quyền chờ đợi trên cơ sở hợp đồng.” Trong trường hợp này điều mà bên mua chờ đợi từ việc bên bán thực hiện hợp đồng là một máy in có thể sử dụng được cho hoạt động in ấn của mình và vi phạm của bên bán là vi phạm cơ bản vì đã không đáp ứng được điều này.

      2/. Về pháp lý: công ty N cần cho bên bán một thời hạn hợp lý để sửa chữa vi phạm (sửa máy), sau thời gian đó nếu vi phạm vẫn không được khắc phục thì bên mua có quyền tuyên bố hủy hợp đồng theo điều 49 và yêu cầu bồi thường toàn bộ thiệt hại do vi phạm của bên bán.

      Hi vọng câu trả lời trên làm bạn hài lòng.

      Mod

      • Mod cho mình hỏi, trong tình huống này, M và N đã thỏa thuận là M đưa nhân viên kỹ thuật sang lắp đặt và vận hành. Thì sẽ phải loại trừ lỗi hỏng máy do nguồn điện hay lý do thuộc trách nhiệm của Công ty N chứ vì khi lắp đặt xong máy đã không thể vận hành, sau khi thay thế nguồn điện phù hợp vẫn vậy. Như vậy thì lỗi hoàn toàn thuộc về bên bán là Công ty M?

      • Hi bạn Linh,

        Ngay cả trường hợp có thỏa thuận nhân viên kỹ thuật sang lắp đặt vận hành, thì trách nhiệm về việc hàng hóa bị hỏng vẫn phải phù hợp với thỏa thuận của hợp đồng (ví dụ về nguồn điện, mức sử dụng phù hợp với thiết kế, công suất máy), và nếu không phải lỗi của máy kém chất lượng, cũng ko phải lỗi của cán bộ lắp đặt vận hành mà do một nguyên nhân từ phía khách hàng khiến cho máy không hoạt động thì lỗi vẫn không thuộc về bên bán. Trách nhiệm chứng minh thuộc về bên yêu cầu và nếu bên bán đi kiện mà không chứng minh được lỗi của bên mua thì tất nhiên không thể đòi bồi thường thiệt hại. Đây là một vấn đề về thực tế (factual issue) chứ không phải vấn đề pháp lý và việc tranh cãi về nội dung này ko liên quan đến cách hiểu CISG.

        Cảm ơn bạn,
        Mod

  3. Ban nào có thể giúp mình giải quyết tình huông này không?
    Ngày 01/10/2010, Bên mua là một công ty chế biến thực phẩm của Hoa Kỳ đã ký hợp
    đồng với Bên bán, một công ty bán buôn thực phẩm có trụ sở tại Canada về việc mua
    5000kg thịt bò đông lạnh với giá 50.000 USD. Theo hợp đồng, Bên mua có nghĩa vụ
    thanh toán cho Bên bán trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận hàng.
    Ngày 01/11/2010, Bên bán giao hàng cho Bên mua theo hợp đồng. Khi nhận hàng, Bên
    mua bằng mắt thường nhận thấy hàng hóa vẫn trong điều kiện bảo quản tốt và tiến hành
    nhận hàng.
    09 ngày sau đó, khi bắt đầu chế biến số thịt này, Bên mua phát hiện có dấu hiệu hư hỏng
    và ngay lập tức liên hệ với cả Bên bán và Sở Nông Nghiệp Hoa Kỳ yêu cầu kiểm tra.
    Thanh tra viên của Sở Nông Nghiệp Hoa Kỳ kết luận số lượng thịt này đã quá hạn sử
    dụng 3 tháng và yêu cầu hủy toàn bộ.
    Ngay lập tức, Bên mua thông báo với Bên bán là sẽ không thanh toán đối với số hàng
    này. Trong khi đó Bên bán vừa thanh toán cho nhà cung cấp khác về số thịt đã bán cho
    Bên mua, do đó Bên bán cho rằng bên mua đã không thông báo kịp thời.
    Ngày 01/12/2010, Bên bán đã khởi kiện Bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán và yêu
    cầu bồi thường thiệt hại.
    Biết Hoa Kỳ và Canada đều là thành viên của CISG. Anh/Chị hãy lựa chọn bảo vệ cho
    Bên bán hoặc Bên mua và viết bản luận cứ.

    Mình nghĩ người mua vẫn có lỗi khi không thanh toán.

    • Hi bạn Huy,

      Bạn kết luận đúng. Trường hợp này Bên bán đã vi phạm cơ bản hợp đồng khi cung cấp toàn bộ số thịt quá hạn sử dụng và Bên mua có quyền hủy hợp đồng khi phát hiện vi phạm. Tuy nhiên Bên mua đã không thực hiện việc tuyên bố hủy hợp đồng và coi hợp đồng là đã bị chấm dứt theo Điều 26 của CU mà chỉ thông báo là sẽ không thanh toán. Thông báo này chưa đủ rõ ràng theo yêu cầu Điều 26 CISG và hợp đồng vẫn được coi là có giá trị ràng buộc với hai bên. Vì vậy Bên mua có lỗi khi vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng.

      Thân

  4. 15/2/2011 công ty B của VN ký kết hợp đồng mua lô thịt bò đông lạnh của công ty A nước TQ, trong đó thỏa thuận thời điểm giao chậm nhất là tháng 7/2011 và thời điểm hết hiệu lực hợp đồng là 29/8/2011) . Ngày22/6/2011, 3 công ten nơ chứa thịt bò đông lạnh đã được vận chuyển tới cảng Hải Phòng và bên bán xuất đơn hàng với tổng giá trị trên thực tế (là 403.510,80 USD) chênh lệch so với thỏa thuận trong hợp đồng (402.980,80 USD)
    Sau khi hàng hóa đến nơi, ngày 29/6/2011, bên mua mời cơ quan chưc năng trong nước kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với 3 công ten nơ và không có sự tham gia của bên bán. ngày 15/7/2011, bên mua gửi email thông báo về vấn đề này cho bên bán. 31/7/2011 cơ quan chức năng ra kết luận 2/3 xe công ten nơ chứa số thịt bò có hàm lượng ammoniac vượt quá mức cho phép theo quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm nước VN.
    ngày 3/8/2011, bên mua gửi email cho bên ban thông báo về việc từ chối nhận 3 xe và yêu cầu hoàn trả số tiền tương ứng 20% mà bên mua đã thanh toán trước theo thỏa thuận hợp đồng.
    5/8/2011, bên bán gửi email cho bên mua thông báo sẽ mời Viện kiểm định nước TQ tiến hành kiểm tra chéo về kết luận của cơ quán chức năng VN. 25/8/2011 Viện kiểm định kết luận 2 xe công ten nơ kia có hàm lượng ammoniac không vượt mức cho phép. Sau khi báo cáo được gửi cho cơ quan chức năng nước VN thì 2 xe này đã được phép nhập khẩu vào VN
    30/8/2011, bên bán gửi mail yêu cầu bên mua nhận hàng, nếu bên mua không nhận bên bán sẽ phát mãi lô hàng này và mọi chi phí thiệt hại bên mua chịu
    Ngay sau khi nhận đc mail, bên mua gửi mail trả lời:
    – không nhận hàng và cho rằng kết quả của Viện kiểm định không có giá trị với họ đồng thời hợp đồng đã hết hiệu lực
    – yêu cầu bên bán hoàn trả khoản tiền 20% đã thanh toán trước đó
    – yêu cầu bồi thường cho giá chênh lệch mà bên mua đã phải mua hàng thay thế với giá cao hơn và việc họ phải chịu phí phạt giao chậm hàng từ bên đối tác
    Biết rằng: công ty B mua thịt bò đông lạnh để cung cấp cho đối tác khác của mình tại VN
    Ngày 2/1/2012, do bên mua không nhận hàng nên bên bán buộc phải bán 3 công ten nơ cho công ty khác tại VN với giá bằng 1 nửa giá trước đó và chịu phí lưu kho hàng tại cảng. Ngày 15/5/2012, bên bán khởi kiện bên mua ra tòa đòi bồi thường
    HỎI:
    – có thể coi bên bán đã vi phạm cơ bản hợp đồng không
    – việc bên mua thông báo không nhận 3 xe hàng và yêu cầu bên bán hoàn trả 20% tiền đã thanh tóa trước có đủ căn cứ để xem là tuyên bố hủy hợp đồng không? Nếu có, tuyên bố hủy căn cứ vào kết quả giám định cơ quan nước mình có được chấp nhận không?
    – cơ quan chức năng VN đã đồng ý với kết quả kiểm định của Viện kiểm định nc Mỹ thì kết quả này có giá trị với bên mua không ( Theo em, nước nào yêu cầu cơ quan, tổ chức nào kiểm tra thì kết quả chỉ có giá trị với nước đó, còn nếu xảy ra tranh chấp thì 2 bên phải đồng thuận mời 1 tổ chức, cơ quan)
    – hợp đồng hết hiệu lực, bên mua không phải thực hiện hợp đồng nữa?
    ÁP ĐỤNG CISG VÀ PL VIỆT NAM

  5. Các bạn đưa ra ý kiến đối với bài này của mình với:
    18/4/2015 bên bán A ( nước Z) và bên mua B (nước C) ký hợp đồng mua lô hàng gà nguyên con đông lạnh. Ngày 21/6/2015 ba coongtenno chứa gà nguyên con đông lạnh đã được chuyển tới cảng H, nước C (cảng đến). sau khi hàng đến nới , ngày 30/6/2015 bên mua mời cơ quan chức năng nước C đến thực hiện việc kiểm định chất lượng mà không có sự tham gia của bên bán.ngày 14/7/2015 bên mua gửi email cho bên bán thông báo việc mời giám định và đang chờ kết quả. Ngày 31/7/2015 cơ quan chức năng nươc C ban hành kết quả giám định, trong đó có 2 lô hàng ở congtenno 1 và 2 ko đạt chuẩn và không được nhập khẩu. ngày 4/8/2015 bên mua gửi email thông báo từ chối nhận cả 3 contenno hàng trên và yêu cầu bên bán hoàn trả số tiền đã thanh toán trước cho bên bán theo thỏa thuận trong hợp đồng. 6/8/2015 bên bán gửi mail thông báo mời viện kiểm định quốc tế ở nước Z kiểm tra chéo về kết luận của cơ quan chức năng nước C.28/8/2016 viện kiểm định đã ra báo cáo số hàng nêu trên đều đạt chuẩn, báo cáo được gửi tới các cơ quan chức năng C thì 2 congtenno đã được phép nhập khẩu. 31/8/2015 bên bán gửi mail yêu cầu nhận hàng và nếu ko nhận sẽ phát mãi lô hàng, mọi chi phí phát sinh bên mua phải chịu. bên mua trả lời mail với các nội dung: ko nhận hàng, kết quả của viện kiểm định k có giá trị với họ, hợp đồng đã hết hiệu lực( hợp đồng quy định thời điểm giao hàng muộn nhất 7/2015), yêu cầu bên bán hoàn trả tiền thanh toán và bồi thường vì bên mua đã phải ký hợp đồng với T để mua hàng cung cấp cho đối tác với giá cao hơn và phải chịu phạt do chậm giao hàng cho đối tác.
    Do bên mua ko nhận hàng 4/1/2016 bên bán đã bán lại cho người khác với giá thấp hơn và phải chịu các chi phí lưu kho với 1 congteno tại cảng H. ngày 10/5/2016 bên bán kiện bên mua yêu cầu bồi thường thiệt hại. hãy lập luận để bảo vệ bên mua.
    Theo mình thì:
    _bên mua ko phải bồi thường vì bên bán giao hàng k đảm bảo ( việc bên bán thông báo giám định mà bên mua không bác bỏ, bên mua thông báo giám định lại quá chậm ).
    _bên mua đòi bồi thường và hoàn trả chi phí là hợp lý.

  6. Chi nhánh thuộc công ty chúng tôi ký hợp đồng mua máy móc với một công ty khác để mua thiết bị máy xuất xứ từ Mỹ với giá 100.000 USD. Bên bán có trách nhiệm bảo hành trong vòng 6 tháng. Lúc nhận hàng, chi nhánh phát hiện máy móc dán nhãn hàng hóa xuất xứ từ Thái Lan chứ không phải từ Mỹ như hợp đồng. Khi đó, bên bán đã đề nghị chi nhánh chúng tôi chấp nhận hàng hóa và họ sẽ giảm giá hàng hóa. Chi nhánh đã đồng ý với nội dung phụ lục hợp đồng: “Bên mua đồng ý nhận hàng với điều kiện là máy móc họat động tốt, giá hàng sẽ giảm 10% so với hợp đồng”.
    Thế nhưng, sau 3 tháng sử dụng, máy bị trục trặc, không thể sử dụng được nên chi nhánh đã gửi công văn yêu cầu bên bán bảo hành nhưng bên bán không thực hiên, Trong thời gian này, chi nhánh phải thuê máy của đơn vị khác để thay thế.
    Chúng tôi có được quyền khởi kiện công ty bên bán vi phạm hợp đồng hay không? Chúng tôi có được yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc phạt vi phạm không?

  7. Cho mình hỏi
    Công ty A ( quốc tịch Việt Nam ) kí kết hợp đồng mua bán hàng hoá với công ty B ( quốc tịch mỹ ).Hai bên ký kết hợp đồng tại Nhật, hàng hoá liên quan đến hợp đồng để tại Nga.Do trên đường vận chuyển, tàu chở hàng của công ty A gặp bão to và không thể tránh được nên thuyền bị lật và hàng hoá bị chìn,không thể giao cho công tu B.Giữa hai bên xảy ra mâu thuẫn về việc khắc phục hậu quả.
    Hỏi toà nào sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp?
    Áp dụng theo pháp luật nước nào để giải quyết tranh chấp ?

  8. 24/5/2017 Công ty A (Việt Nam) đề nghị giao kết kết hợp đồng với B trong đó bên A sẽ mua của B (trụ sở tại nước X) 10 tấn táo với giá trị $5/kg (chưa bao gồm thuế gtgt) có nguồn gốc xuất xứ từ nước X, giao hàng theo điều kiện FOB, cảng Y nước X trong vòng 1 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực, chuyên chở bằng tàu có tuổi thọ dưới 20 năm tuổi, sử dụng container lạnh 20 feet. 26/5, một nhân viện phòng kinh doanh công ty B là K gửi email cho công ty A thông báo về việc hòm thư của phòng kinh doanh bị hỏng và công ty B đã nhận được đề nghị đông thời yêu cầu A gửi fax bản hợp đồng cho B cũng như các điều kiện thanh toán. 29/5 A fax cho B bản hợp đồng số 8989-HDNK_AB có chữ ký của phó giám đốc công ty A cũng như con dấu của công ty. 30/5 cong ty A nhận fax của chị K về bản hợp đồng có sửa chữa cũng như có chữ ký của Tổng Giám đốc công ty B và con dấu. 31/5, A fax cho B một số điều sửa chữa của bản hợp đồng và thời hạn giao hàng là 2/7 nếu bên B không còn ý kiến gì khác. 4/7 sau khi không nhận được hàng A đã fax cho bên B để yêu cầu giao hàng đồng thời gia hạn đến ngày 25/7. 26/7 sau nhiều lần liên lạc mà k nhận được hàng A đã gặp trực tiếp với trưởng phòng kinh doanh của B và được biết B k nhận được bất kì bản fax nào từ A sau ngày 30/5 và chị K đã bị cho nghỉ việc vào ngày 1/6. đồng thời, do cuộc đình công từ nhân viên trong 10 ngày nay nên B k thể giao hàng theo yêu cầu của A. Do phải giao hàng cho đối tác ngày 15/8 nên A đã phải mua hàng gấp của công ty khác nhưng vói giá $8/kg và đã bị công ty đối tác phạt bồi thường do không giao hàng đúng hạn. 18/9 A đã fax cho B yêu cầu B bồi thường do vi phạm hợp đồng, số tiên gồm tiền chênh lệch giá do mua hàng gấp, tiền bị đối tác phạt và các chi phí khác tương ừng 15% tổng giá trị hợp đồng như đã quy định. 25/9, B gửi fax trả lời từ chối tiến hành thương lượng và 16/10 A đã khởi kiện B ra trọng tài VIAC do trong 8989-HDXK-AB đã thỏa thuận dùng trọng tài khi có tranh chấp không thể thương lượng được. dùng CISG để giải quyết tranh chấp giữa hai bên?

  9. Mod ơi, mình muốn tìm bản đầy đủ của án lệ số ở mục 2 phía trên là vụ việc tranh chấp của công ty Diversitel Communication Inc. (Canada) và công ty Glacier Bay Inc của Mỹ. Bạn có thể giúp mình được không ạ ? Mình cảm ơn nhiều

Gửi phản hồi cho Phạm Đức Huy Hủy trả lời